BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ

(Thứ Sáu, ngày 20/7/2018)

***

Tin nổi bật

- IMF duy trì dự báo KTTG năm 2018 ở mức 3,9%, cảnh báo rủi ro về trung hạn.

- Các biện pháp áp thuế và trả đũa có thể khiến GDP toàn cầu giảm 430 tỷ USD.

- Kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng nhanh trong 2018, chậm lại trong 2019-2020.

- Chủ tịch FED bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế, tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất.

- Chính phủ Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2018.

- IMF dự báo KTVN tăng trưởng 6,6% năm 2018, có thể đạt 6,5% các năm tiếp theo.

- USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.

- Nhật Bản và EU ký FTA, thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

- Xinh-ga-po trở thành nước thứ ba phê chuẩn CPTPP.

- Ấn Độ muốn tham gia khởi kiện Mỹ về thuế nhôm và thép tại WTO.

- Trung Quốc bác bỏ cáo buộc BRI gây bẫy nợ ở các quốc gia tiếp nhận.

- Tin chuyên sâu: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng sâu rộng tới các nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á.

 

A. KINH TẾ THẾ GIỚI

  • Ngày 16/7 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới", duy trì dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu các năm 2018, 2019 là 3,9% nhưng cảnh báo kinh tế thế giới đã vào thời kỳ đạt đỉnh, rủi ro đi xuống của kinh tế thế giới trong thời gian gần và trung kỳ đang gia tăng. Báo cáo dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% năm 2018 và 2,7% năm 2019, hạ thấp dự báo tăng trưởng của Eurozone, Nhật Bản, Anh và Ấn Độ, duy trì dự báo cho 2018 và 2019 của Trung Quốc là 6,6% và 6,4%. (TLSQVN tại Quảng Châu, 16/7)
  • Báo cáo về tình hình kinh tế nhóm G20 của IMF dự báo, các biện pháp áp thuế và trả đũa hiện hành sẽ tác động hạn chế lên kinh tế toàn cầu, làm giảm GDP toàn cầu khoảng 0,1% vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu xu hướng này tiếp diễn, lòng tin của các nhà đầu tư sẽ bị giảm sút và GDP toàn cầu có thể giảm tới 0,5%, tương đương với 430 tỷ USD. (IMF, 18/7)
  • Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương G20 sẽ nhóm họp ngày 20-21/7 tại Ác-hen-ti-na và chiến tranh thương mại là một chủ đề trọng tâm. Quan ngại lớn nhất là các biện pháp áp thuế và trả đũa sẽ ảnh hưởng tới đầu tư và tiêu dùng toàn cầu trong thời gian tới. (Bloomberg, 19/7).
  • Đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Chỉ số đồng USD tăng 0,43% trong khi chỉ số đồng Euro giảm 0,34%, đạt mức quy đổi 1 Euro=1,16 USD. Do Chính phủ Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống, đồng NDT giảm 0,85%, xuống mức quy đổi thấp nhất so với đồng USD trong vòng 1 năm trở lại đây, đạt mức quy đổi tại phiên giao dịch ngày 19/7 là 6,8 NDT=1 USD. (Reuters, 19/7).

1. Mỹ:

  • Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng trên tiềm năng trong năm 2018 (dự báo tăng trưởng thực tế đạt 3,1%) nhờ chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ. Chính sách thắt chặt tiền tệ và hiệu ứng tích cực từ chính sách thuế sẽ mất dần theo thời gian, khiến tốc độ tăng trưởng giảm dần trong các năm 2019 (dự báo 2,4%) và 2020 (1,9%). Tỷ lệ thất nghiệp dự báo đạt mức 3,2% vào cuối 2019 và duy trì cho đến 2020. Theo báo cáo ngày 19/7 của Bộ Lao động Mỹ, số lượng người nộp đơn đăng ký thất nghiệp đã giảm xuống 207 nghìn, mức thấp nhất kể từ năm 1969. (Nomura, Bloomberg, 16,19/7)
  • Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 17-18/7, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh và lạm phát ở mức ổn định, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Chủ tịch FED cho rằng, kinh tế Mỹ vẫn chưa đạt mức toàn dụng lao động và lạm phát vẫn nằm trong mức FED dự báo. Ông cho biết, FED sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất cơ bản nhằm tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. (WSJ, Bloomberg, 17-18/7)
  • Báo cáo điều tra của 12 chi nhánh địa phương của FED, hay còn gọi là Sách Xám, cho biết các nhà sản xuất bày tỏ quan ngại về các biện pháp áp thuế và cho rằng, giá nguyên vật liệu có dấu hiệu tăng trong thời gian qua do chính sách thương mại mới của chính quyền Trump. (Bloomberg, 18/7).

2. Trung Quốc:

  • Ngày 17/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, theo số liệu thống kê của WTO, trong quý 1/2018, tỷ lệ đóng góp của nhập khẩu Trung Quốc đối với tăng trưởng nhập khẩu toàn cầu lên đến 13,2%. Tổng Cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 14.120 tỷ NDT, tăng 7,9% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu tăng 4,9%, nhập khẩu tăng 11,5%, thu hẹp xuất siêu 26,7%.
  • Ngày 16 và 18/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: (i) Trong các đối tác của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường", không có nước nào rơi vào "cuộc khủng hoảng nợ" do hợp tác với Trung Quốc. Đến nay không có bất kỳ cái gọi là "cuộc khủng hoảng nợ" nào do Trung Quốc gây ra; (ii) Mỹ gây cuộc chiến thương mại không chỉ nhằm vào Trung Quốc, mà còn làm thù địch với toàn thế giới, khiến kinh tế thế giới lâm vào cảnh nguy hiểm. Những nền kinh tế chủ chốt và các công ty xuyên quốc gia đều bày tỏ hết sức quan ngại. (Tân Hoa Xã, TLSQVN tại Quảng Châu, 18/7)

3. Khu vực châu Âu:

  • Trong chuyến thăm Nga ngày 16/7, Phó Thủ tướng Italia Matteo Salvini bày tỏ mong muốn thấy lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ được dỡ bỏ vào cuối năm này và sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để thuyết phục các đối tác Châu Âu từ bỏ trừng phạt Nga vì vụ sát nhập Crưm năm 2014 và các hoạt động tiếp theo tại Đông Ucraina. Phó Thủ tướng Salvini còn cho rằng, việc Nga trở lại G7 là "hoàn toàn chính đáng", tương tự như đề nghị của Tổng thống Mỹ vào tháng trước. (ĐSQVN tại Italia, 17/7)
  • Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/7 thông báo phạt hãng Google của Mỹ 4,34 tỷ euro (5,04 tỷ USD) vì đã sử dụng một cách bất hợp pháp hệ thống điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android để củng cố sự thống lĩnh của công cụ tìm kiếm của hãng và điều này là phạm pháp theo luật chống độc quyền của EU. (Bloomberg, 18/7)                                                
  • Ngày 17/7, Thủ tướng Anh Theresa May đã sít sao vượt qua một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về Dự luật chính sách thương mại trong tương lai hậu Brexit, theo đó Anh sẽ vẫn nằm trong liên minh hải quan với EU trong trường hợp không đạt được thỏa thuận tự do thương mại. Dự luật này sẽ được chuyển cho Thượng viện xem xét trước khi đưa lại Hạ viện bỏ phiếu lần cuối. Trước đó, tối 16/7, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã phải chấp nhận một loạt điều chỉnh đối với một dự luật Thuế quan của chính phủ Anh. Trong đó, đáng chú ý có điều khoản Anh sẽ không thu thuế cho EU sau Brexit trừ phi có sự dàn xếp đối ứng. Dự kiến dự thảo luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện Anh để thông qua. (Reuters, 17/7)

4. Nhật Bản và Hàn Quốc:

  • Trong bối cảnh các yếu tố rủi ro đang ngày một gia tăng như xung đột thương mại Mỹ-Trung, giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn đang trở nên trầm trọng hơn và giá dầu quốc tế tăng, Chính phủ Hàn Quốc ngày 18/7 đã quyết định hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 từ mức mục tiêu ban đầu 3% xuống còn 2,9%. (KBS, 18/7).
  • Trong một khảo sát đối với 483 doanh nghiệp tại Nhật Bản, nhiều ý kiến tỏ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ, chi phí năng lượng, nguyên liệu cao và thiếu hụt lao động đang "vắt kiệt" lợi nhuận. Nhiều công ty cho biết đang cân nhắc mở rộng đầu tư vốn do diễn biến khó lường của cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo khảo sát, chỉ số niềm tin nhà sản xuất tháng này còn 25 điểm, giảm 01 điểm so với tháng trước. (Reuters, 19/7).

5. ASEAN và các nền kinh tế mới nổi:

  • Châu Á: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển Châu Á ở mức 6%, giảm dự báo lạm phát từ 2.9% xuống 2,8% (Bloombergquint, 19/6).
  • Ấn Độ: (i) Sau IMF, báo cáo công bố ngày 19/7 của ADB tiếp tục nhận định Ấn Độ tiếp tục là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế lớn, đạt 7,3% trong năm tài chính 2018/19 và 7,6% trong năm tài chính 2019/20. Tăng trưởng của Ấn Độ được hỗ trợ bởi chi tiêu công đang gia tăng, đầu tư tư nhân hiệu quả và có chiều hướng tăng; (ii) Ngày 19/7, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cho biết, trong năm 2017, Ấn Độ đã khởi xướng 214 vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hoá Trung Quốc. Nhập siêu của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã gia tăng từ 51 tỷ USD năm tài khoá 2016/17 lên 63,12 tỷ USD năm tài khoá 2017/18 (Financial Express, 19/7)
  • ASEAN: Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF cho hay, tăng trưởng của nhóm ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 5,3% do nhu cầu nội địa vẫn khá vững mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi.
  • Ma-lai-xi-a: Ngân hàng Phát triển châu Á ngày 19/7 dự báo kinh tế Ma-lai-xi-a tăng trưởng 5,3% năm 2018 và 5% năm 2019. Cùng ngày, điều tra của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ma-lai-xi-a cũng cho hay, chỉ số lạc quan của người tiêu dùng nước này đạt 132,9 điểm, mức cao nhất trong vòng 21 năm trở lại đây do chỉ số lạm phát dự báo giảm trong thời gian tới. Điều này có thể đồng nghĩa với việc, người dân Ma-lai-xi-a sẽ tăng mức chi tiêu trong thời gian tới. Lạm phát ở Ma-lai-xia trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1,7%, giảm mạnh so với mức 4,1% cùng kỳ 2017. (Nikkei Asian Review, 19/7).
  • Lào: Kim ngạch thương mại 2 chiều trong tháng 5 và tháng 6 đạt mức 1,76 tỷ USD với điện, đồng, thời trang là những sản phẩm xuất khẩu chính. (Laos New Agency, 19/7).
  • Phi-líp-pin: Đạt kỷ lục đón 3,7 triệu khách du lịch nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018 (Rappler, 19/7)

B. KINH TẾ VIỆT NAM.

  • Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo đã khởi sắc trở lại, đạt 3,6 triệu tấn, trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 44,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Tháng 6/2018, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm được nâng lên, chiếm trên 80% tổng lượng gạo xuất khẩu. (Kinhtedothi, 18/7)
  • Theo IMF, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo ở mức 6,6% năm 2018. Lạm phát được dự báo sẽ ở khoảng dưới mức mục tiêu 4% do giá dầu cao hơn. IMF cho rằng nếu các cải cách được duy trì với tốc độ hiện tại, tăng trưởng hàng năm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt 6,5% sau năm 2018. (TTXVN, 17/7)
  • Ngày 17/7, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 7% trong năm 2018, tăng so với dự báo 6,8% của ngân hàng này đưa ra trước đó, nhờ sự tăng tốc cùng lúc của tất cả các động lực trong nước. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đưa ra dự kiến lĩnh vực xây dựng và sản xuất sẽ tiếp tục là 2 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay. (TTXVN, 17/7)
  • Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên giảm giá đồng nội tệ để tăng cường xuất khẩu và hạn chế việc hàng hoá Trung Quốc đổ vào Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng BIDV cho biết: "Giảm giá đồng nội tệ có thể giúp xuất khẩu tăng, nhưng cũng đồng thời gia tăng lạm phát và giá nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất trong nước, do đó chúng ta nên rất cẩn thận. Giá đồng nội tệ giảm khoảng 2% trong năm 2018 là hợp lý". (Bloomberg, 19/7)
  • Theo dự thảo Nghị định mới của Bộ Giao thông Vận Tải sửa đổi Nghị định 92, nhà đầu tư nước ngoài trong ngành hàng không có thể nâng mức sở hữu từ 30% lên 49% vốn điều lệ của các hãng hàng không Việt Nam. (VIR, 17/7)
  • Ngày 18/7, tại New Delhi, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA), Trung tâm Nghiên cứu và Hệ thống thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) và Tổ chức hàng hải quốc gia Ấn Độ (NMF) đã đồng tổ chức Hội thảo ASEAN-Ấn Độ về kinh tế biển xanh lần thứ hai. Hội thảo có sự tham dự hơn 60 đại biểu gồm các quan chức chính phủ, học giả, nhà nghiên cứu từ các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ. (TTXVN,18/7)

C. QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ.

1. Mỹ và các đối tác

  • Ấn Độ: New Delhi bày tỏ nguyện vọng tham gia cơ chế tham vấn tranh chấp tại WTO với tư cách là bên thứ ba theo đề nghị của Nga trước quyết định của Mỹ trong việc áp đặt thuế suất cao đối với thép và nhôm. Trong một thông báo gửi WTO, Ấn Độ tuyên bố rằng nước này có lợi ích thương mại lớn trong nhóm mặt hàng trên. (ĐSQVN tại Ấn Độ, 17/7)
  • Mê-xi-cô: Tổng thống Mỹ D. Trump cho hay, ông có thể sẽ ưu tiên thúc đẩy FTA với Mê-xi-cô hơn là Ca-na-đa trong bối cảnh quan hệ giữa ông và Tổng thống mới đắc cử Obrador tiến triển tốt. (Bloomberg, 18/7).

2. Trung Quốc và các đối tác

  • Nhật Bản: Theo các chuyên gia kinh tế, trong ngắn hạn, chiến lược "Made in China 2025" có thể mang lại nhiều cơ hội cho Nhật Bản. Chiến lược Made in China 2025 ưu tiên đầu tư vào tự động hoá và các máy móc sản xuất chất bán dẫn, là các ưu thế của Nhật Bản. Tuy nhiên về dài hạn, điều này có thể là con dao hai lưỡi và Trung Quốc sớm trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho ngành công nghiệp Nhật Bản.  (Bloomberg, 17/7).
  • ASEAN: Sau khi triển khai thành công khoảng 1 tỷ USD vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á trong 8 năm qua, Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAF) đang đặt mục tiêu đầu tư thêm 3 tỷ USD tại khu vực này. (TLSQVN tại Thượng Hải, 17/7)
  • Nigeria: Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vừa cử đoàn đến Nigeria làm việc với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC) và cho biết sẵn sàng đầu tư thêm 3 tỷ USD vào các cổ phần hiện có của Trung Quốc trong các hoạt động dầu khí ngoài khơi của Nigeria. Theo Yuan Guangyu, Tổng Giám đốc của công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, trưởng đoàn công tác, CNOOC đã đầu tư hơn 14 tỷ USD vào các hoạt động ở Nigeria và đây là khoản đầu tư chiến lược và quan trọng nhất của CNOOC ở nước ngoài. (ĐSQVN tại Nigeria, 16/7)

3. EU và các đối tác

  • Từ ngày 19/7, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với 23 sản phẩm thép nhập khẩu nếu khối lượng nhập khẩu các mặt hàng này vào thị trường EU vượt hạn ngạch trung bình của 3 năm qua. Quyết định của EU nhằm ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu đổ vào châu Âu sau khi Mỹ tăng thuế đối với thép nhập khẩu, theo đó việc áp thuế đã khiến các nước xuất khẩu thép "chuyển hướng" sang thị trường EU, dẫn tới những tác động bất lợi nghiêm trọng tới doanh nghiệp và việc làm trong ngành này của EU. (Bloomberg, 19/7)
  • Mỹ: Châu Âu đang nghiên cứu các khả năng đàm phán với Tổng thống Trump về việc cắt giảm thuế ô tô trong chuyến công du đến Mỹ sắp tới của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Nếu đạt được, thỏa thuận này có thể hỗ trợ đáng kể ngành công nghiệp ô tô, tuy nhiên các quan chức không đặt nhiều hi vọng Tổng thống Trump sẽ chấp nhận thỏa thuận này. (Bloomberg, 19/7)
  • Trung Quốc: Theo Ernst&Young, nếu Đức và Vương quốc Anh vẫn là những điểm đến chính của các nhà đầu tư Trung Quốc, thì Thụy Sĩ cũng luôn ở trong "tầm ngắm" của các nhà đầu tư Trung Quốc. Số vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu đã giảm hơn 50% trong vòng 1 năm qua và đạt 14,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, Thụy Sĩ chứng kiến 7 thương vụ mua hay đầu tư mua cổ phần từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo EY, trong khi các thương vụ mua bán trong ngành công nghiệp truyền thống đã trở nên kém hấp dẫn hơn thì các nhà đầu tư lại hướng sự quan tâm đến với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao và dược phẩm.
  • ASEAN: Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Pháp ngày 14/7, Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long cho biết, EU và ASEAN đã đạt được thỏa thuận khôi phục lại tiến trình đàm phán FTA giữa hai khối, vốn đã bị trì hoãn gần 2 năm qua. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho biết, với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN - EU, Xinh-ga-po đang nỗ lực cùng EU xây dựng một khuôn khổ để xác định những lĩnh vực sẽ được đưa vào đàm phán. Tuy nhiên, để bảo đảm thành công của việc ký kết Hiệp định này. Ông cũng cho rằng việc định hình khuôn khổ trên sẽ phải kéo dài ít nhất cho đến hết năm 2018. (ĐSQVN tại Italia, Reuters, 15/7)
  • Nhật Bản: Tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và EU ngày 17/7 đã ký thỏa thuận thương mại tự do, có tên gọi là Hiệp định hợp tác kinh tế (EPA), thiết lập một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Thỏa thuận sẽ giúp loại bỏ thuế nhập khẩu đối với xuất khẩu của EU như phô-mai, rượu và xuất khẩu ô tô, hàng điện tử của Nhật Bản. Văn kiện sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản và Nghị viện châu Âu từ nay đến cuối 2018 để có thể đi vào hiệu lực vào năm 2019. Nhân dịp này, Nhật Bản và EU cũng ký Hiệp định hợp tác chiến lược, bao gồm nội dung thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh quốc gia đến biến đổi khí hậu. (The Guardian, Asian Nikkei Review, CNN, 17-18/7).

4. Việt Nam

  • Hàn Quốc: Những nguồn tin từ giới mua bán gạo tại Việt Nam cho biết, Công ty Cổ phần Thương mại & Công nghệ Tân Long - JSC, là đơn vị thắng thầu cung cấp gạo cho Chính phủ Hàn Quốc, trong đó có 2.800 tấn gạo trắng hạt dài. Như vậy, tổng cộng trong năm nay, JSC sẽ cung cấp 110 nghìn tấn gạo cho Hàn Quốc, trong đó có 50 nghìn tấn đã giao hồi tháng năm và 60 nghìn tấn giao vào tháng 9 tới đây. Điểm đáng chú ý trong thương vụ này nằm ở chỗ, Tân Long là công ty Việt Nam duy nhất thắng thầu, đánh bại các đối thủ quốc tế là các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Australia để cung cấp gạo cho một thị trường khó tính như Hàn Quốc. (Business Inquirer, 17/7)
  • Ma-lai-xi-a: Theo Thương vụ Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, trong 6 tháng đầu năm 2018 kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a tăng 21,15% so với cùng kỳ 2017, đạt trên 5,84 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu của Việt Nam tăng hơn 42% so với cùng kỳ 2017, đạt 3,84 tỷ USD; xuất khẩu giảm 5,46% so với cùng kỳ 2017 xuống 2 tỷ USD. Tính chung trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam nhập siêu trong quan hệ thương mại với Ma-lai-xi-a 1,83 tỷ USD. (TTXVN, 17/7)

5. Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI)

  • Chính phủ Myanmar đã phê duyệt các địa điểm dành cho 3 "Khu Hợp tác Kinh tế" ở Bang Kachin và Bang Shan dọc biên giới với Trung Quốc. Các khu hợp tác kinh tế sẽ được xây dựng tại thị trấn Kanpiketi - thuộc Khu vực đặc biệt số 1 của Bang Kachin, Chinshwehaw - ở thị trấn Laukkai thuộc Bang Shan và thị trấn Muse cũng thuộc Bang Shan. Theo Myanmar Times, việc thành lập khu kinh tế biên giới Trung Quốc - Myanmar sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do và Myanmar có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. (ĐSQVN tại Myanmar, Myanmar Times, 17/7)

6. CPTPP

  • Ngày 19/7, Bộ Thương mại Xinh-ga-po cho biết, nước này đã trở thành quốc gia thứ ba (sau Mê-xi-cô và Nhật Bản) phê chuẩn Hiệp định CPTPP. (Asian Nikkei Review, 19/7)
  • Ngày 18/7, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết, nước Anh sẵn sàng tham gia CPTPP một khi nước này rời khỏi EU, đồng thời nhấn mạnh sẽ bàn bạc về các thỏa thuận thương mại với Mỹ, Australia và New Zealand. Ngày 19/7, Tokyo bày tỏ hoan nghênh động thái này của London và cho biết Tokyo sẽ cung cấp cho London thông tin cần thiết. (Kyodo, 19/7)
  • Ngày 18/7, đoàn đàm phán của 10 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhóm họp tại Hakone, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, nhằm thúc giục các quốc gia còn lại nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước để CPTPP sớm có hiệu lực, đồng thời trao đổi việc mở rộng các nước tham gia hiệp định. Phát biểu mở đầu hội nghị, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto bày tỏ mong muốn CPTPP sẽ sớm có thể phát huy hiệu lực vào đầu 2019. (TTXVN, 18/7)

D. BÀI PHÂN TÍCH

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng sâu rộng tới các nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. (Bloomberg, Bloomberg view, 15-16/7)

 Tâm lý lo ngại bao trùm lên các thị trường mới nổi trong tuần từ 9-14/7. Chỉ số biến động của các thị trường mới nổi do JPMorgan Chase công bố trong tuần đã đạt mức cao nhất từ năm 2011. Theo Rabobank có trụ sở tại Luân Đôn, các quan ngại về tình hình thương mại thế giới khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi giao động mạnh so với đồng USD do các nguồn vốn đang rút khỏi các thị trường mới nổi sang Mỹ. Goldman Sasch dự báo, căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trước khi đi vào ổn định. Các thị trường đang chờ đợi Mỹ và Trung Quốc nối lại các đàm phán về thương mại sau khi 2 bên tiến hành các biện pháp áp thuế và trả đũa trong tuần qua. Ngày 17 và 18/7, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ báo cáo trước Quốc hội và nội dung báo cáo dự báo sẽ ảnh hưởng tới đồng USD trong thời gian tới.

Căng thẳng thương mại, giá dầu tăng và các cuộc tổng tuyển cử dự báo sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á. Theo bà Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế Bloomberg Economics tại Xinh-ga-po, căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của khu vực do các nước ĐNÁ phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Các cuộc bầu cử ở In-đô-nê-xi-a và Thái Lan, cùng với chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ mới tại Ma-lai-xi-a cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế khu vực trong nửa cuối 2018. Các chuyên gia kinh tế đưa ra các dự báo sau đối với 6 nền kinh tế lớn nhất của khu vực Đông Nam Á:

Việt Nam: Kim ngạch thương mại của Việt Nam bằng khoảng 200% GDP cho nên nền kinh tế Việt Nam đặc biệt "nhạy cảm" với căng thăng thương mại. Kinh tế Trung Quốc dự báo tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối 2018 và việc FED tăng lãi suất cơ bản cũng ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2018 đã chậm lại do tăng trưởng của ngành khoáng sản và đầu tư công có dấu hiệu giảm tốc. Theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ Việt Nam dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong hai quý cuối năm và đã có những biện pháp để kích thích nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng GDP 2018: 6,8% (Bloomberg); 6,5-6,7% (Chính phủ).

In-đô-nê-xi-a: Chính quyền Gia-các-ta đang nỗ lực ổn định tài chính trong bối cảnh đồng rupiah mất giá mạnh. Thâm hụt tài khoản vãng lai và dòng vốn rút ra khỏi thị trường In-đô-nê-xi-a khiến Ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ nước này dự báo sẽ cắt giảm chi tiêu và kim ngạch nhập khẩu khiến dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Dự báo tăng trưởng GDP 2018: 5,3% (Bloomberg); 5,1-5,2% (Ngân hàng TW).

Ma-lai-xi-a: Loại thuế hàng hoá mới, theo kế hoạch sẽ ban hành vào cuối 2018, dự kiến sẽ làm giảm tiêu dùng cùng với một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng đang bị ngưng khiến đầu tư công dự kiến giảm trong thời gian tới. Ngân hàng TW Ma-lai-xi-a quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản tại cuộc họp cuối tuần qua tuy nhiên nếu chính quyền nước này nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối phó với các xu hướng kinh tế thế giới và khu vực không thuận lợi. Dự báo tăng trưởng GDP 2018: 5,5% (Bloomberg); 5,5-6% (Ngân hàng TW).

Phi-líp-pin: Lạm phát tăng cao trong thời gian qua, vượt mức trần mà chính phủ đề ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng. Nhiều khả năng Ngân hàng TW Phi-líp-pin sẽ tăng lãi suất cơ bản tại cuộc họp ngày 9/8. Dự báo tăng trưởng GDP 2018: 6,7% (Bloomberg); 7-8% (Chính phủ).

Xinh-ga-po: Tăng trưởng của nền kinh tế nửa đầu năm 2018 đạt tốc độ cao nhưng nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm. Chính sách thắt chặt đầu tư trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ làm giảm dòng vốn đổ vào nền kinh tế trong thời gian tới. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thương mại làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế: các đơn đặt hàng mới và chỉ số PMI có chiều hướng giảm. Dự báo tăng trưởng GDP 2018: 3,1% (Bloomberg); 2,5-3,5% (Ngân hàng TW).

Thái Lan: Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá trong nửa đầu năm 2018, đạt 4,8% trong quý 1/2018 và là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Lạm phát nằm trong mục tiêu chính phủ đề ra (1%-4%) tạo điều kiện cho Ngân hàng TW giữ nguyên lãi suất cơ bản. Theo Capital Economist, chiến tranh thương mại gia tăng làm giảm dự báo tăng trưởng của Thái Lan. Dự kiến nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm 2019. Dự báo tăng trưởng GDP 2018: 4,2% (Bloomberg); 4,4% (Ngân hàng TW)./.

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​