​​TGVN. Báo Thế giới & Việt Nam trò chuyện với một số người Mỹ gốc Việt tiêu biểu tại Mỹ để có cái nhìn đa chiều về quan hệ Việt-Mỹ sau 25 năm bình thường hóa quan hệ.​

“Ngả đầu khâm phục”

Sinh ra tại Hà Nội và chứng kiến hai cuộc chiến trên mảnh đất hình chữ S, ông Vũ Văn Lê, doanh nhân triệu phú gốc Việt, đồng sáng lập và cố vấn của Nhóm Nghiên cứu Dầu khí Houston chẳng ngờ có thể chứng kiến hai nước xích lại gần nhau và trở thành bạn bè trong đời. Theo ông, dù là kết quả chung, thành công này thể hiện rõ thế chủ động của Việt Nam: “Tôi phải ngả đầu khâm phục trước tiến trình xây dựng quan hệ đó, đặc biệt với những người lãnh đạo đã nhìn rõ vấn đề, chủ động gác lại quá khứ, đặt nền tảng tiến tới tương lai”.

Tiến sĩ Bùi Văn Đạo, nguyên Chủ tịch công ty thiết kế giàn khoan GustoMSC, hiện đã nghỉ hưu và là thành viên nhóm Nghiên cứu Dầu khí Houston, nhận định việc Việt Nam chủ động xây dựng quan hệ với Mỹ là điều tích cực, dù thời gian đầu cũng gặp vô vàn khó khăn. Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, điều kiện xây dựng quan hệ đang thuận lợi hơn và Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội để phát triển, song Việt Nam cần đi trên đôi chân của mình: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khéo léo tận dụng biến động tình hình địa chính trị thế giới để xây dựng đất nước, tăng cường nội lực”. ​

Trong khi đó, ông Trần Hữu Hiếu, Giám đốc kỹ thuật công ty NorthStar Midstream chuyên xây dựng và vận hành nhà máy khí hóa lỏng, thành viên nhóm Nghiên cứu Dầu khí Houston, cho rằng là người sinh ra, lớn lên tại Việt Nam, nếu không có mở cửa trong quan hệ hai nước, anh sẽ không có cơ hội sang Mỹ học tập, làm việc để thực hiện ước mơ và đóng góp cho cả hai quốc gia.

Nắm bắt thời cơ

Nhận định về quan hệ Việt - Mỹ thòi kỳ hậu đại dịch Covid-19, ông Vũ Văn Lê cho rằng con đường chông gai nhất trong quan hệ là những năm đầu, khi hai bên cố gắng hợp tác trong từng lĩnh vực. Khó khăn thứ nhất đến từ Mỹ: Chiến tranh Việt Nam khiến Mỹ thiệt hại nặng nề về tinh thần và của cải. Khó khăn thứ hai đến từ sự cản trở, chưa thấu hiểu của một bộ phận người Mỹ gốc Việt. Nhưng rõ ràng, quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua đã có bước tiến lớn.

Tuy nhiên, quan hệ song phương còn nhiều dư địa và câu hỏi cần đặt ra là: “Mỹ cần ở Việt Nam cái gì và Việt Nam cần gì ở Mỹ?” Trên cơ sở quyền lợi quốc gia mỗi bên, quan hệ Việt-Mỹ đang trên đà phát triển, với nhiều điểm tương đồng về an ninh, địa chính trị, kinh tế, văn hóa. Ông tin cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ đóng góp tích cực vào quá trình này.​​

Ông Bùi Văn Đạo nhận định dịch Covid-19 sẽ mang nhiều thay đổi lớn tới nền kinh tế thế giới và toàn cầu hóa. Mỹ sẽ tiến hành đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, tránh phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và nếu khéo léo nắm bắt cơ hội, Việt Nam có thể hưởng lợi từ điều này.

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam cần nhận thấy việc Mỹ chuyển nhiều nhà máy sang Trung Quốc không đơn thuần là do giá thành: “Tôi từng hợp tác với một công ty cung cấp các công cụ cho ngành sản xuất dầu khí; lãnh đạo công ty nói sẽ đưa tất cả quy trình sản xuất sang Trung Quốc, không chỉ vì giá rẻ, mà còn do Trung Quốc có kỹ thuật và tiềm năng”. Do đó, Việt Nam cần nâng cao trình độ kỹ thuật, thể hiện tiềm năng cần thiết. Đây là bài toán không đơn giản dành cho lãnh đạo, doanh nghiệp trong nước. Ông Bùi Văn Đạo chia sẻ: “Nếu Việt Nam khéo léo, đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, nhân lực và nghiên cứu, đây là một cơ hội rất lớn. Việt Nam không có nhiều thời gian nhưng nếu lớn được, mình sẽ lớn rất nhanh và có thể bay cao”.​​

Về đại dịch Covid-19, ông Vũ Văn Lê đã dành nhiều lời khen cho công tác phòng, chống dịch của Việt Nam và muốn gửi đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sự ngưỡng mộ về đất nước mẹ đẻ trong hành trình chống dịch. Wall Street JournalEconomist và nhiều tờ báo hàng đầu của Mỹ đã ca tụng cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam. Những chương trình truyền hình buổi tối thỉnh thoảng lại mở bài hát cổ động, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa phải là nước giàu, điều đó thật sự khiến ông Vũ Văn Lê cùng cộng đồng người Việt, người gốc Việt cảm thấy hãnh diện: “Chúng tôi càng ngưỡng mộ hơn khi Việt Nam cử máy bay sang đón công dân. Đó là sự hãnh diện chung của tất cả người Việt trong và ngoài nước”. Việt Nam đã xây dựng hình ảnh tốt trong mắt bạn bè quốc tế và sẽ bước vào thời kỳ hậu đại dịch với nhiều sự thay đổi lớn…​

Tương tự, ông Trần Hữu Hiếu cho rằng, Việt Nam đã làm tốt trong khâu khoanh vùng, cách ly, chữa trị kịp thời cho các bệnh nhân lây nhiễm, giúp Việt Nam lọt vào danh sách các nước hàng đầu trong chống đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Đạo, thành công của Việt Nam chỉ là ở bước đầu; bước sắp tới mới là quan trọng. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư, thành lập trụ sở ở Việt Nam, song điều này sẽ đòi hỏi đất nước có bước tiến nhảy vọt, nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ kỹ thuật doanh nghiệp và lao động.

Hướng về quê hương

Điều dễ thấy thông qua cuộc trò chuyện với họ chính là tấm lòng hướng về cội nguồn. Sinh ra tại Mỹ, nhưng ông Quân Vũ, Giám đốc chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Hartz Chicken Restaurant luôn cảm nhận rõ dòng máu Lạc Hồng qua những câu chuyện, lời kể, nét văn hóa độc đáo truyền lại từ cha mẹ, người thân từ Việt Nam.

Dòng cảm xúc ấy đã ít nhiều được thỏa nguyện qua hành trình về đất mẹ năm 2014. Các thành viên trong đoàn đều háo hức khi trở lại cội nguồn, kết nối với nền văn hóa từ lâu đã ngấm vào da thịt, mang tinh túy ấy trở lại đất Mỹ. Sau chuyến đi đó, Quân Vũ và những người bạn đã thấu hiểu phần nào, tự hào hơn vì mang dòng máu Việt và có cơ hội trải nghiệm nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, thấm đẫm tình người trong thời gian không dài tại Việt Nam. Họ đã chia sẻ thông tin và khuyến khích người Mỹ gốc Việt trở lại Việt Nam, khám phá cội nguồn chính mình...​

Đối với ông Lê, ông Đạo hay ông Hiếu, kết nối với quê hương không chỉ là cảm xúc, mà còn là hoài bão về đóng góp, cống hiến cho đất nước.

Là chuyên gia với 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, ông Đạo cho rằng việc giá dầu giảm mạnh có thể mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Việt Nam hiện sản xuất được 300.000 thùng dầu/ngày, nhưng tiêu thụ đến 500.000 thùng dầu/ngày. Mỹ có ngành công nghiệp dầu khí rất phát triển và có thể đưa kỹ thuật về khai thác, sản xuất dầu tiên tiến vào Việt Nam.​

Việt Nam cần nắm bắt chặt chẽ thay đổi về chính trị ở trên thế giới, cụ thể là trong ngành dầu khí, để phát triển hợp tác Việt-Mỹ, gặt hái lợi ích về kỹ thuật và kinh tế, tăng cường vị thế trên trường quốc tế.

Còn ông Hiếu cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc chuyển đổi một phần cơ cấu ngành năng lượng từ nhiệt điện than đá sang khí hóa lỏng. Dân số thế giới tăng, kéo theo nhu cầu về sử dụng năng lượng. Năng lượng sạch ngày một phổ biến, tuy nhiên hiệu suất lại chưa đạt độ ổn định khi phụ thuộc vào thời tiết, trong khi nguồn năng lượng truyền thống, đặc biệt là than đá lại gây ô nhiễm. Nhu cầu sử dụng năng lượng dầu khí có thể đã đạt cực điểm năm ngoái hoặc năm nay và xu hướng mới sẽ là sử dụng khí hóa lỏng chạy máy phát điện.

Hiện giá khí hóa lỏng ở Mỹ đang ở mức thấp. Nhân cơ hội này, Việt Nam có thể xem xét chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng nhiều hơn, giảm sự phụ thuộc vào điện than, hiện chiếm 40% cơ cấu ngành năng lượng quốc gia. Như vậy, Việt Nam có thể tận dụng nguồn khí hóa lỏng giá rẻ từ Mỹ, bù đắp thâm hụt thương mại song phương, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vốn tác động tiêu cực tới quyết định của nhiều nhà đầu tư. Nhóm Nghiên cứu Dầu khí Houston sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ đất nước trong nhập khẩu khí hóa lỏng, bởi đây là điều rất tốt cho Việt Nam nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng.

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

  • QUOCHOI2.jpg 

    vanphongchinhphu4.jpg

    BONGOAIGIAO-EN.jpg


    BOKEHOACH-en.jpg


    BOCONGTHUONG-en.jpg

    dulich-en.jpg
    vietnamplus.jpg
    vov.jpg
    QUEHUONG.jpg